Nhà giáo Phạm Toàn, GS Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam- Lê Vân Anh đã bày tỏ quan điểm của mình về sự cố bé Quỳnh Anh trong chương trình VietNam’s Got Talent được phát trên VTV3.Nhà giáo Phạm Toàn: VTV3 "thương mại" nhân danh tài năng!Tôi thấy thật tội nghiệp cho cô bé Lê Nguyễn Quỳnh Anh. Bởi trong chuyện này mẹ em đã sai.
Thứ nhất, trên cương vị là một Hiệu trưởng Trường Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương mà hành động như vậy thì không chấp nhận được! Bà mẹ muốn con mình nổi tiếng, nên đã có những phát ngôn thái quá về tài năng của con gái và màn "cướp micro" bênh con, trách móc ban giám khảo. Làm như thế là không được.
Thứ hai, xét về việc cố ý phát sóng phần tranh cãi giữa bà mẹ và BTC cuộc thi thực chất là nhằm mục đích thương mại, câu khách cho cái gọi là nhân danh tài năng.
Nhà đài đã dùng tiền thuế của người dân để vài ba hôm lại cho xảy ra một sự việc tương tự như vụ của bé Quỳnh Anh thế này, khiến khán giả đã không còn niềm tin đối với truyền hình.
Chương trình Vietnam’s Got Talent nhân danh tìm kiếm tài năng nhưng đó là tài năng “hóng hớt”, tài năng không thực chất, tài năng không đào tạo đưọc.
Khi người lớn làm chương trình về tài năng “hóng hớt” thì làm sao mà thực chất được, khi chính họ đã không bao giờ nghĩ đến trẻ thơ, thế hệ tương lai của đất nước.
Và tôi thương tâm hồn cô bé đang bị lừa.
Quỳnh Anh tự tin trên sân khấu Vietnam's Got Talent
Nếu là tài năng phát triển được, là tinh hoa thật thì tài năng đó không cần đến đài VTV. Những người có tài năng thực sự, là tinh hoa thì họ tự nhận thức được rằng dù tài năng có bị đẩy xuống bùn thì tài năng đó vẫn tự mọc thành bông sen kiêu hãnh với đời.
Và là tinh hoa thật thì không cần bà mẹ phải nổi nóng lên bênh con, không cần nhà đài phải thanh minh, không cần bất cứ điều gì cả.
Nếu vẫn còn những người nói "Tôi có tài năng mà không nâng đỡ" thì tài năng đó là tài năng vứt đi. Tài năng thật là tài năng không cần lăng xê, nâng đỡ!
GS Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh: Copy và Bơm vá khiến tôi rất ngạc nhiênKhi những ồn ào về câu chuyện của thí sinh Lê Nguyễn Quỳnh Anh và chương trình Vietnam’s Got Talen đã lắng xuống, thì nhà đài cho làm một chương trình Thư giãn cuối tuần phát trên kênh truyền hình quốc gia Việt với phần tiểu phẩm hài Copy và Bơm vá được cho là na ná như câu chuyện của bé Quỳnh Anh, khiến tôi rất ngạc nhiên!
Sự việc tưởng chừng như đang tự nó dần lắng xuống thì chính người lớn lại một lần nữa làm tổn thương cô bé.
Sự việc xảy ra trong thời gian vừa qua đủ làm áp lực, một áp lực ghê gớm đối với một tâm hồn của cô bé 15 tuổi.
Áp lực đó đã khiến cô bé phải gửi bức thư kêu cứu tới Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam khiến sự việc đi quá xa, không đáng có.
Có lẽ thời gian qua áp lực từ gia đình, áp lực xã hội đối với Quỳnh Anh quá lớn. Tôi thấy sự việc không đáng làm ra to tát như vậy.
Chuyện người lớn tranh cãi, phân xử đúng sai thì đó là câu chuyện khác, nhưng sự việc này đã làm cho con trẻ bị tổn thương, không ăn không ngủ được thì thật là tội cho trẻ.
Bà mẹ đứng ra bênh con, BGK cũng có ý kiến của họ nhưng thật quá đáng khi bắt con trẻ phải liên lụy vào câu chuyện không đáng có này. Cách xử sự như thế là hoàn toàn không nên.
Chương trình tìm kiếm tài năng được tổ chức để kiếm những tài năng thực sự, có mục đích rõ ràng thì không có vấn đề gì cả.
Nhưng việc đưa phần tranh cãi khá phản cảm giữa phụ huynh học sinh và BGK trước sự chứng kiến của rất nhiều người, trong đó có cả trẻ con, rõ ràng sự việc như vậy không phải là dàn dựng.
Tôi không rõ mục đích của việc đưa phần tranh cãi của Nhà đài lên nhằm mục đích gì, nhưng cách hành xử như vậy thì thật buồn cười!
Tôi cũng đã xem phần thi của bé Quỳnh Anh. Bản thân tôi thấy phần thi của em cũng chưa đạt được như lời nhận xét của BGK. Suy cho cùng, đó là cuộc thi, chúng ta không thành công ở cuộc thi này thì sẽ thành công ở cuộc thi khác nếu chúng ta có nỗ lực.
Còn xét về hành động của mẹ Quỳnh Anh. Tôi thấy bà mẹ thấy con mình không được BGK công nhận tài năng thì bức xúc nên đứng ra tranh cãi thôi.
Hành động cầm micro ra sân khấu là bà tự ý nói chứ cũng không có ai xúi giục làm việc đó cả.
Phần tranh cãi, phân đúng sai của người lớn hoàn toàn không nên cho trẻ con tham gia. Dù thế nào đi nữa, chúng ta nên hiểu rằng bất kỳ cuộc thi nào, các thí sinh thi tài là để nỗ lực hết mình, cống hiến và khẳng định tài năng trước sự chứng kiến của mọi người và sự thẩm định của BGK.
Người tài thực sự không chỉ thẳng cuộc trong cuộc thi mà còn biết cống hiến, đem lao động tài năng của mình mang lại lợi ích cho xã hội. Người thua cuộc cũng không nên lấy đó làm buồn phiền, mà vẫn phải tiếp tục tự tin để chinh phục những cuộc thi khác.
Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (KHGD VN) – Lê Vân Anh: Cách làm của mẹ Quỳnh Anh là phản giáo dục!Câu chuyện của bé Quỳnh Anh cái sai là ở chính người mẹ. Việc bà mẹ cầm micro đứng giữa sân khấu phân trần với BGK, nhằm bảo vệ con, nhưng chính cách bảo vệ đó là không đúng, phản giáo dục.
Về phía Quỳnh Anh, tôi cảm thấy như em chưa bao giờ bị chê, khiển trách, chưa bao giờ bị thất bại thì mới cảm thấy nặng nề khi không được BGK đánh giá cao. Còn bình thường học sinh đi học cũng bị cô giáo chê, các thầy cô cũng phải tìm ra những cái chưa đúng để có thể chỉ bảo thêm, để các em học được đức tính khiêm nhường.
Qua sự việc này, chúng ta cũng không thể nói Nhà đài đã ứng xử thiếu văn hóa và không văn minh được. Bởi vì BGK họ có quyền phán xét.
Chỉ có điều, trong phần thi của Quỳnh Anh, BGK đã bấm còi phản đối trước khi thí sinh kết thúc bài hát. Cách làm như vậy là không nên, là thiếu tế nhị và chưa lịch sự. Vì trẻ em là đối tượng chưa hoàn thiện về nhân cách nên làm như vậy vô tình khiến các em dễ bị tổn thương.
Quỳnh Anh và gia đình hãy coi sự “dừng lại” trong chặng đường cuộc thi đó chỉ là chuyện bình thường.